MỤC LỤC |
Giới Thiệu 4 Tâm Từ Trong Đạo Phật 4
PHẦN I 21 1. Một Ngày Đặc Biệt 21 2. Hành Thiền Tâm Từ 24 3. Tinh Thần Của Tâm Từ 24 4. Ý Nghĩa Của Tu Tập Tâm Từ (Mettā Bhāvanā) 25 5. Kẻ Thù Của Tâm Từ 27 6. Những Phương Pháp Hành Thiền Tâm Từ 31 7. Tu Tập Tâm Từ Để Đắc Các Bậc Thiền 42 8. Những Lợi Ích Của Tâm Từ 67 9. Đi Vào Bóng Mát Của Tâm Từ Để Tìm Sự Giải Thoát Khổ 70
PHẦN II 104 12. Kinh Mettā (Từ Bi Kinh) Có Mặt Như Thế Nào 104 13. Sabbatthaka Kammatthāna 107 14. Sayādaw U Uttamassara 110 15. Kinh Nghiệm Cá Nhân 112 16. Từ Tâm Từ Đến Niết Bàn 115 17. Từ Tâm Từ Chuyển Sang Minh Sát 119 18. Ngồi Thiền 122 19. Kinh Hành 128 21. Các Giai Đoạn Tuệ Minh Sát 139
Phần Phụ Lục 150 Phụ Lục I 150 Phụ Lục II 158 Phụ Lục III 164 Tu Tập Bốn Phạm Trú và Bốn Thiền Bảo Hộ DANH SÁCH HÙN PHƯỚC IN KINH 189
|
____________________
Thiền Tâm Từ, Làm Nền Tảng Cho Việc Hành Minh SátThienTamTu.pdf (Nguyên Tập)
____________________
Metta, The Practice Of Loving-Kindness,
As The Foundation For Insight Meditation PracticeMetta.pdf (Whole Book)
____________________
PHẦN I
1. Một Ngày Đặc Biệt
Hôm nay là thứ Hai, mùng 3 tháng Chín năm 2001. Theo Lịch Miến thì hôm nay là ngày rằm tháng wakaung (7 hoặc 8 ÂL) năm 1363. Đối với người Phật tử Miến Điện, đây là một ngày đặc biệt, nhưng có lẽ rất nhiều người không biết lý do tại sao ngày hôm nay lại là ngày quan trọng như vậy. Đây chính là ngày mà lần đầu tiên Đức Phật thuyết giảng kinh Mettā (Tâm Từ), và quả đất lần đầu tiên được trút xuống một trận mưa tâm từ mát mẻ. Trước đó, quả đất này đã từng khát khao và chịu đựng những thời kỳ khô hạn bởi vì không có Tâm Từ (mettā). Trong suốt thời kỳ khô hạn này, toàn thế gian bị thiêu hủy bởi khói cay độc và những ngọn lửa âm ỉ của sân hận và oán thù. Các chúng sanh trong thời kỳ đó không biết đến lòng từ bi là gì. Họ không ngừng gây chiến, và trong sự thù địch ấy họ tấn công và giết hại lẫn nhau không thương xót. Trong cách cư xử với nhau không có lòng nhân từ và nhẫn nhịn, thay vào đó, để đạt được những mục đích của mình họ thường xuyên ức hiếp và xuyên tạc lẫn nhau. Đúng vào thời kỳ ấy Đức Phật đã đổ xuống quả đất khô cằn này trận mưa tươi mát, dễ chịu của Tâm từ (mettā), vì thế toàn thế gian trở nên mát mẻ và bình yên. Nhận thức được sự nguy hiểm của sân hận và oán thù, họ bắt đầu biết yêu thương và tỏ lòng nhân ái với nhau. Trước khi nói về Kinh Tâm Từ và giải thích lý do có sự hiện hữu của nó, chúng tôi sẽ bắt đầu với lời dạy căn bản của tâm từ.
Navaṅga Sīla (Chín Giới)
Khi chúng ta xin thọ trì giới, thay vì tám giới (bát quan trai giới) như bình thường, vị Trưởng Lão sẽ cho chúng ta chín giới, trong đó giới “Mettasahagatena cetasa sabbapanabhutesu pharitvā viharanaṁ samādiyāmi” được thêm vào. Giới này có nghĩa là, “Con nguyện sẽ sống với một tấm lòng đầy từ ái đối với tất cả chúng sanh.” Trong Tăng Chi Bộ Kinh, bài Kinh Navanguposatha có nói rằng, làm thấm đẫm tâm với từ ái (mettā) và thực hành tâm từ này cho đến mức tối đa có thể được chung quy là chín giới (navanga sīla).Tuy nhiên, tâm từ không cùng một loại giới như các giới khác vốn bắt đầu bằng ‘Pānātipātā…’ tức giới không sát sanh, không trộm cắp, v.v… Khi chúng ta tô điểm thêm cho tám giới thông thường (uposatha) bằng việc thực hành tâm từ (mettā), thời việc thực hành giới này trở nên lợi ích hơn là chỉ giữ bát quan trai giới thông thường.
Thời Đức Phật, một số người đức hạnh cũng giữ chín giới có tâm từ này. Đức Phật dạy chín giới này đặc biệt cho những người thích tâm từ. Tất nhiên bạn có thể tự hỏi nếu chỉ những người thọ tám giới có thêm ‘Mettāsahagatena’ (Với lòng đầy từ ái) mới có thể hành thiền tâm từ sao. Điều này không phải như vậy; nếu chúng ta chỉ thọ tám giới, chúng ta vẫn có thể hành thiền tâm từ được bởi vì bất kỳ ai cũng có thể hành thiền tâm từ. Càng nhiều người hành thiền tâm từ thì quả đất này được chờ đợi là sẽ càng trở thành một nơi mát mẻ, bình yên và dễ chịu hơn thôi. Khi chúng ta tu tập tâm từ với những câu nguyện như ‘Cầu mong tất cả chúng sanh được khỏe mạnh; cầu mong tất cả chúng sanh được an vui và bình yên’, là chúng ta đã phát ra tâm từ. Đây là ‘bố thí sự an vui và bình yên’. Tất cả mọi người, tất cả chư thiên và tất cả các chúng sanh đều sống với ước muốn được sự an vui và bình yên này. Bạn chẳng cảm thấy hài lòng khi bạn có thể ban bố cho những chúng sanh khác sự an vui và bình yên mà họ đang mong đợi sao? Giống như những đứa trẻ thơ thích người ta cho kẹo thế nào, tất cả chúng sanh cũng rất thích sống gần những người đem cho họ mettā (tâm từ), hay nói khác hơn những người đem lại cho họ sự an vui và bình yên như vậy.
Cây Kẹo Mettā
Ở tỉnh Myeik (Bang Tanintharyi, Miến Điện), bạn có thể tìm thấy ngôi chùa Kantha, nơi đây Trưởng Lão Kantha Sayādaw là trụ trì. Sayādaw là người rất tốt bụng. Ngài cũng có những danh hiệu cao quý như ‘Abhivamsa’ và ‘Aggamahāpanḍita’1, nhất là ngài còn có một bản chất rộng lượng. Ngay khi ngài được cho một vật gì ở chỗ này, ngài liền hiến tặng nó ở một nơi khác. Bất cứ khi phải đi đến chỗ nào, ngài cũng bỏ đầy kẹo vào chiếc túi đeo vai của ngài. Khi đến nơi, ngài phân phát hết những cây kẹo ấy cho mọi người. Vì thế mọi người, dù lớn hay nhỏ, gặp ngài là vây lấy ngài bởi vì mọi người ai cũng yêu mến và kính trọng ngài. Không ai là không biết ngài. Khi bố thí hay dâng tặng vật gì Sayādaw cảm thấy rất vui. Các thiền sinh ở đây cũng vậy, nếu các bạn muốn được mọi người yêu mến và kính trọng giống như Sayādaw thời quý vị nên bố thí và cúng dường.
Các bạn nên phân phát những cây kẹo từ ái (mettā candies) này. Hãy chắc chắn rằng bạn phân phát nó với hết khả năng của mình. Nếu mọi người đều biết thực hành thiền tâm từ, ước mong sự hạnh phúc và bình yên cho tất cả chúng sanh, đó chẳng phải là điều kỳ diệu sao?
...